Với quy định chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử lên cơ quan thuế khi thực hiện thủ tục xuất hóa đơn và nguy cơ có thể bị xử phạt nếu chuyển dữ liệu chậm. Do vậy, vì một số lý do khách quan và chủ quan nên vấn đề xuất hóa đơn lùi ngày được nhiều doanh nghiệp thắc mắc trong thời gian qua.
1. Ngày hóa đơn khác với ngày ký hóa đơn
Tại Khoản 9, Điều 10, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Thời điểm ký số trên hóa đơn điện tử là thời điểm người bán, người mua sử dụng chữ ký số để ký trên hóa đơn điện tử được hiển thị theo định dạng ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có thời điểm ký số trên hóa đơn khác thời điểm lập hóa đơn thì thời điểm khai thuế là thời điểm lập hóa đơn
Theo quy định trên, có thể hiểu rằng hóa đơn với ngày hóa đơn khác với ngày ký số hóa đơn vẫn hợp lệ.
Mặt khác, khi xuất hóa đơn theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp vẫn có thể ghi Ngày hóa đơn là ngày trong quá khứ (lùi ngày) và thực hiện gửi lên cơ quan thuế để cấp mã bình thường (với hóa đơn có mã cơ quan thuế).
2. Mức phạt nếu chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử lên cơ quan thuế chậm
Bên cạnh đó, tại Điều 30 Nghị định 125/2020/NĐ-CP về xử phạt hành vi vi phạm về chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử có đưa ra các mức xử phạt vi phạm hành chính nếu doanh nghiệp chậm chuyển hoặc không chuyển dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế.
Các hành vi vi phạm về chuyển dữ liệu như sau:
- Chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế quá hạn:
+ Chậm từ 01 – 05 ngày làm việc bị phạt từ 02 – 05 triệu đồng;
+ Chậm từ 06 – 10 ngày làm việc bị phạt từ 05 – 08 triệu đồng;
+ Chậm từ 11 ngày làm việc trở lên bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng.
- Chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử không đầy đủ số lượng hóa đơn đã lập trong kỳ bị phạt từ 05 – 08 triệu đồng.
- Không chuyển dữ liệu điện tử cho cơ quan thuế bị phạt từ 10 -20 triệu đồng.
Với quy định này, nếu căn cứ vào Ngày hóa đơn để tính chuyển dữ liệu chậm thì đối với các hóa đơn xuất lùi ngày sẽ bị tính chậm từ 1 đến nhiều ngày (tùy thuộc vào số ngày xuất lùi). Nếu căn cứ vào Ngày ký số để tính chuyển chậm thì rủi ro sẽ thấp hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, hóa đơn với ngày hóa đơn khác với Ngày ký số đơn vẫn hợp lệ thì căn cứ tính thời điểm chuyển dữ liệu chậm là dựa vào Ngày ký số hóa đơn.
Như vậy, doanh nghiệp khi có nhu cầu xuất hóa đơn lùi ngày thì cần chú ý đến ngày hóa đơn và ngày ký số hóa đơn để tránh trường hợp vi phạm chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử lên cơ quan thuế.